TĐTS – Thăng Long & Thành Đông, ngày 8/4/2024, ngay những năm mới lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740-1786) đã cho ý kiến lập Y Miếu để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận Công đã tiến hành xây dựng công trình đầu tiên trên một thửa đất thuộc huyện Quảng Đức ở phía tây Hoàng Thành Thăng Long, nhưng Y Miếu lúc đó còn rất sơ sài. Quỹ Thành Đông Tươi Sáng nhân duyên được biết đến Y Miếu Thăng Long, nơi thờ các vị Tổ ngành Y Dược Việt Nam, trong đó có Đức Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh và Đức Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Cũng rất vinh dự khi Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21-11-2023 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 – 2025″, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; còn Hồ sơ của Đức Đại Danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh cũng đang được các cấp chính quyền tích cực hoàn thiện để đệ trình tiếp. Quỹ Thành Đông Tươi Sáng rất vui mừng được chào đón các sự kiện trọng đại nêu trên và sẵn sàng tham gia góp phần nhỏ bé Tâm Trí Lực nếu được các tổ chức, cá nhân có ý kiến đề nghị. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
Câu nói nổi tiếng của Đức Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh “Nam Dược trị Nam nhân” và câu nói về y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công“, chứa đựng hồn cốt và truyền thống tốt đẹp ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ con cháu nguyện sẽ noi gương, tiếp tục gìn giữ, phát huy và phát triển công đức của các ngài.
Lịch sử hình thành Y Miếu Thăng Long
Y Miếu Thăng Long có địa chỉ tại Số 12, phố Y Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Được xây vào giữa thế kỷ 18 để thờ các vị Tổ nghề Y.
Dưới thời vua Lê Hiển Tổng trị vì trong những năm 1740 – 1786, ông đã cho kiến lập Y Miếu để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận Công đã tiến hành xây dựng công trình đầu tiên trên một thửa đất thuộc huyện Quảng Đức ở phía tây Hoàng thành Thăng Long, tuy nhiên Y Miếu lúc đó còn rất sơ sài.
Theo đó, vua ra lệnh cho Viện Thái Y chọn đất và lĩnh tiền để xây dựng Y Miếu. Công việc đã có sự chậm trễ, rồi bị bỏ lơi đi một thời gian. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), có Chưởng Viện Thái Y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng và mở rộng Y Miếu với quy mô lớn hơn. Ông Trịnh Đình Ngoạn vốn sinh trong một gia đình nhiều đời làm thuốc ở xã Định Công, huyện Thanh Trì; lớn lên tinh thông y lý kinh sử và làm đến chức Chưởng Viện Thái Y.
Nhận thấy khoảnh đất công giáp phía tây Phượng Thành, bên trái Văn Miếu, lại có dòng nước bao quanh, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào, Trịnh Hầu đã mạnh dạn tâu trình, liền được Chúa Trịnh khen ngợi chuẩn y và cấp 10 mẫu ruộng để dùng vào việc đèn hương. Quốc Thánh Mẫu (mẹ Chúa) còn ban thêm cho hai hốt bạc. Noi theo thịnh tình của Thánh Mẫu, nhiều vị trong nội cung đều góp bạc, góp tiền để giúp vào việc xây dựng Y Miếu. Với sự hăng hái đứng ra đôn đốc của Trịnh Hầu nên chỉ “vài tháng đã xong, thẳng thắn, bay bướm, cung tường lộng lẫy, dãy dọc toà ngang, cột rường đồ sộ…”. Việc này được ghi lại trên tấm bia của Viện Thái Y và được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 35 (năm Giáp Ngọ – 1774), hiện còn lưu tại chùa Phổ Giác ở phố Ngô Sĩ Liên ngay gần miếu.
Thời kỳ đầu, dân vẫn quen gọi Y Miếu là Viện Thái Y, mãi rồi mới gọi là Y Miếu Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Y Miếu Thăng Long nằm trong tổng Hữu Nghiêm, sau đổi thành tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Năm 1834, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn, mở rộng thêm nhiều. Từ năm 1942, Y Miếu Thăng Long thuộc về địa phận nội thành Hà Nội.
Trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, Y Miếu Thăng Long không được tu bổ, mà còn bị lấn chiếm nhiều. Theo dòng lịch sử, Y Miếu cũng chứng kiến biết bao cuộc dâu bể hợp tan, nhưng có điều lạ là chưa bao giờ bị đổ nát trực tiếp bởi chiến tranh. Hồi 1972, khi không quân Mỹ đánh Hà Nội thì phố Khâm Thiên bị san phẳng và khu vực quanh Y Miếu cũng trúng bom. Nhưng không hiểu sao chỉ duy có Y Miếu chẳng bị sứt mẻ mảnh vữa nào.
Sau 1954, Y Miếu được trùng tu và làm Trụ sở của Hội Đông Việt Nam. Năm 1980, Y Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia với tổng thể kiến trúc trong diện tích 747 m2 so với 3.600 m2 trước đây. Nhưng cùng số phận như chùa Quang Minh ngay bên cạnh, Y Miếu Thăng Long tiếp tục bị lấn chiếm, nay chỉ còn lại 140 m2 và phải chung sân, chung cổng với nhà dân. Gần đây Y Miếu được sửa sang nhưng lối vào vẫn bị che khuất bởi khu chợ Ngô Sĩ Liên.
Cổng Y Miếu xây đơn giản, mở ra con phố cùng tên và hẹp như một con ngõ. Y Miếu được xây gần như hình vuông, gồm hai lớp nhà ba gian kiểu tường hồi bít đốc, quay về hướng Đông Nam. Nhà được làm hai tầng mái để tạo sự thông thoáng, mái trên tạo các đầu đao cong mềm mại, bốn góc lớp mái trên tạo các đao cong hình vuông vân lá; chính giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời; giữa bờ giải và guột đắp tượng hai sư tử hí cầu. Hai trụ ngoài được đắp hình búp sen, thể hiện tư tưởng thiền trong y học. Bên ngoài là tiền tế, bên trong là hậu cung với khám thờ Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Các gian bên thờ Thần Nông và những danh Nho.
Trong Y Miếu có các hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp cao đẹp của hai vị Tổ cùng những giá trị sâu sắc của nền Y học cổ truyền. Hiện vật có giá trị nhất của di tích là một khám gỗ lớn, kín toàn gian, đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất giữa hậu đường. Khám sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ các hình rồng, cúc, trúc, hoa lá cách điệu… mang nét nghệ thuật chạm khắc thế kỷ 19.
Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, trong dịp đó Y Miếu Thăng Long là nơi tụ hội, giao lưu của những người làm công tác Đông Y Dược trong toàn quốc.
Y Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1980.
Y Miếu Thăng Long, khán thờ các vị Tiên Thánh và 2 vị Tổ Nam Y Việt, Đức Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh và Đức Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Các bác sĩ thế hệ sau và bạn bè của Quỹ Thành Đông Tươi Sáng viếng thăm Y Miếu Thăng Long, ngày 01/4/2024
Y Miếu Thăng Long ngày nay: chốn tĩnh lặng giữa cồn cào phố chợ
Nếu Y Miếu Thăng Long được coi là chốn linh thiêng thờ Tổ ngành Y nước nhà thì nay vây chung quanh là những quán hàng luôn ồn ã bán mua. Xưa nghe các cụ tả Y Miếu được xây trên một diện tích thênh thang cả mẫu đất. Viễn cảnh thời gian đã trôi đi hàng trăm năm bỗng hiện về: “Xanh xanh dẫy liễu ngàn thông/Cỏ hoang lối mục rêu phong dấu tiều/Một vùng non nước đìu hiu/Phất phơ gió trúc dập dìu mưa hoa”. (Bích Câu Kỳ Ngộ). Còn đâu hồn đất thơm thảo của phường Bích Câu ngày nào.
Một tấm bia ở chùa Phổ Giác tại phố Ngô Sĩ Liên còn ghi Y Miếu được xây dựng từ năm 1774. Vậy mà đã gần 250 năm, khu đất có sông nước bao quanh tạo nên quần thể Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu không còn vẹn nguyên. Tất cả đã là dĩ vãng với hình ảnh: “Thềm phủ dấu rêu biếc/Sân u, màu cỏ xanh/Chim kêu hoa tự rụng/ Khách đến mộng không thành” (Thơ Nguyễn Như Đổ).
Quả vậy giờ đây khách thập phương kéo đến với “mộng không thành” bởi lẽ Y Miếu lọt thỏm trong sự xô bồ chợ búa rộn rã ngày đêm. Tứ phía Y Miếu là những quầy hàng chen chúc. Đường đi vào bên số chẵn phố để vào miếu chỉ rộng chừng mét rưỡi. Những ki ốt bán thịt, bán bún ồn ã chào hàng.
Đường ngõ Ngô Sĩ Liên nằm phía Bắc sau chợ nhộn nhịp hơn cả. Số nhà 26 cuối phố Y Miếu là cả một dãy hàng bán thực phẩm. Cách đấy không xa còn có hàng bán bún bung chân giò nổi tiếng. Họ lấy bún ở cuối phố Y Miếu về bán.
Hàng bún bung này nổi tiếng cả Hà Nội với danh xưng: “Bún chửi”. Hai chị em chủ nhà hàng chăm chỉ và nấu bún bung kèm móng giò và lưỡi lợn thơm có vị riêng biệt đậm đà. Khách đến nườm nượp để xe chật cả đường ngõ chợ Ngô Sĩ Liên. Cô chị đanh đá và hay cáu gắt với người đến ăn. Đôi khi chị ta còn hay văng tục và mắng khách hàng đến ngọt mồm nên quán mang hỗn danh “Bún chửi” là thế.
Nhưng phải nói chị này có năng khiếu hài hước. Đôi khi còn nói mát khách hàng kèm theo những danh từ ngụ ý như “bướm, cò, chim, chuột” làm khối anh đỏ mặt vì ngượng ngùng. Nay cửa hàng này dọn về đầu chợ thuộc phố Ngô Sĩ Liên cách xa Y Miếu hơn chút. Nhưng đường vào Y Miếu vẫn y nguyên. Tiếng dao thớt cành cạch vang dội át cả tiếng chuông nhà chùa Quang Minh, bên cạnh Y Miếu.
Ấy là còn chưa kể đến đất của Y Miếu và chùa Minh Quang còn bị lấn chiếm và lô nhô nhà cửa xung quanh. Chùa Minh Quang quây tường từ trước còn dành đất lại phần nào. Riêng đất Y Miếu thì bị lấn chiếm nhiều hơn. Giờ còn chừng hơn 140 m2. Những nhà xây lấn chiếm đã chuyển qua mấy đời chủ lại có giấy tờ làm chứng nên Y Miếu trở nên nhỏ nhoi côi cút giữa cồn cào phố chợ. Đến mảnh sân chừng hơn chục mét vuông cũng bị mọi người để xe máy chật hết nẻo vào. Cổng Y Miếu trở thành cổng chung cho miếu và những ngôi nhà đã ở từ xưa.
Chút chạnh lòng buồn bã cho mỗi ai đến đây. Bởi đâu còn xứng với nơi: “Miếu thờ tiên thánh/ Để tiếng lâu dài/ Từ trước hiếm có/ Việc này sáng ngời/ Xin khắc bia đá/ Để nhớ công người“. Thị trường thật khắc nghiệt. Con người thường vô tâm. Đất lành thì có hạn. Giữa phố chợ đông đúc, Y Miếu trở nên lẻ loi trống vắng và bị lãng quên. Nhất là vào những ngày mưa nước ngập đường ngõ. Đâu đó lời của người xưa lại vọng lên theo tiếng chuông ngân: “Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương” (Hải Thượng Lãn Ông).
Tâm nguyện sự: Để gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, di sản, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành liên quan, các hương nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và ý nghĩa tốt đẹp của Y Miếu Thăng Long trong dòng chảy của lịch sử và hồn cốt của dân tộc.
Cõi lòng xưa vang vọng
Trông coi Y Miếu giờ là bà Hoàng Thị Thảo (pháp danh Viên Minh) ở ngay phố chợ cách đó không xa. Bà nói một thời miếu bị bỏ hoang nên xin chính quyền phường Văn Miếu vào trông nom hương khói. Lễ hội đông nhất vào dịp tết Nguyên Tiêu. Bà là người đã từng một thời bốc thuốc cùng gia đình nên muốn trông nom miếu Tổ nghề như một niềm an ủi cuối đời.
Chúng tôi không ngờ bà Thảo rất thuộc câu nói về y đức của Hải Thượng Lãn Ông: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công”.
Bà bỗng trầm ngâm trong câu chuyện khi nhớ đến gương sáng ngời của hai Đại danh y Tuệ Tĩnh (1330 – 1400) và Hải Thượng Lãn Ông (1724 – 1791) đều quê ở đất phía Đông của Kinh Thành Thăng Long xưa (Hải Hưng, Hải Dương & Hưng Yên ngày nay). Hai ngài đã để lại chục ngàn trang sách thuốc và tạo dựng Y nghiệp cho nước nhà. Họ đã dốc lòng và trọn đời hy sinh cho nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo.
Đôi mắt bà Thảo bồi hồi nhớ lại cuộc đời lưu lạc của Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh khi phải đi sứ sang đất Bắc (năm 1384). Đó là câu chuyện buồn khi Cụ Tuệ Tĩnh ở tuổi xế chiều vẫn bị vua Trần phái tham gia Đoàn đi sứ nhà Minh. Cho dù được phong “Đại y Thiền sư” tại ngoại bang nhưng ông đã rơi nước mắt vì nhớ quê hương. Khi mất đi, ngài đã để lại cho hậu thế những bài thuốc chữa bệnh bằng thuốc nam và đời sau đã biên tập, soạn thành 02 cuốn sách đó là Cuốn Nam dược thần hiệu (còn có tên là Nam dược chỉ nam) trong đó đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh gồm 10 khoa, 2 môn, chữa 184 bệnh bằng 3.873 phương thuốc; ghi lại được 499 vị thuốc nam bằng thơ chữ Hán, 82 vị thuốc có tên bằng chữ Nôm và Cuốn Hồng Nghĩa giác tư y thư (còn có tên là Thập tam phương gia giảm) cũng đề cập đến 500 vị thuốc nam và 2 bài phú thuốc nam về 620 vị. Thật cảm động về những tấm lòng thơm thảo như bà Hoàng Thị Thảo.
Bà Hoàng Thị Thảo vẫn nhang đèn tươm tất tại Y Miếu Thăng Long
Đặc biệt ngài đã để lại những nguyên tắc bất biến có tính định hướng khởi nghiệp qua những đúc kết chân lý: “Nam dược trị Nam nhân” và “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Đến cuối đời “Đại y thiền sư” đã ngã xuống nơi đất khách quê người đầy cô đơn. Ngài đã cho đề trên mộ với câu than buồn đến xót xa: “Ai về nước Nam cho tôi theo với!”.
Sau đó thật cảm động khi chúng tôi cùng bà Thảo nhớ lại chuyện tình kỳ lạ có thật của Hải Thượng Lãn Ông. Đây là sự kiện đã được ông viết trong “Thượng Kinh ký sự” sau hơn 40 năm xa cách người mình đã từng gắn bó. Ở tuổi đôi mươi Lê Hữu Trác đã đính hôn với con gái của quan Tham Chính Thừa Ty Sơn Nam (Bắc Ninh). Nhưng rồi cuộc sống tao loạn Lê Hữu Trác buộc phải cùng gia đình về quê mẹ ở Hương Sơn Hà Tĩnh mưu sinh. Họ đã tới nhà cô gái tạ lỗi và xin từ hôn. Nhưng ai dè hơn 40 năm sau (1783), Hải Thượng Lãn Ông được triệu về kinh chữa bệnh cho hai cha con chúa Trịnh, tình cờ gặp lại người đẹp năm xưa.
Hải Thượng Lãn Ông ngỡ ngàng và đau khổ khi biết cô gái đó đã thủ tiết đi tu xa lánh cuộc đời. Bà coi mình đã có một đời chồng cho dù đã bị từ hôn. Hải Thượng Lãn Ông cầu xin ni cô trở về quê mẹ cùng mình để báo đáp nghĩa xưa. Ông định xây chùa ở gần nhà cho ni cô tu hành đến trọn đời. Nhưng bà đã từ chối và sau đó nhắn lời chỉ xin cấp cho mình một cỗ quan tài bằng gỗ ở quê chồng. Hải Thượng Lãn Ông buồn rầu thương tiếc ngọc hoa nên đã tự trách mình: “Vô tâm nên nỗi lụy người ta/Trông mặt nhau đây luống xót xa/Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ/Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa/Kiếp này hãy kết làm huynh muội/ Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia/ Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ/Dở dang, dang dở biết ru mà” (Bản dịch của Ngô Tất Tố).
Cùng với tác phẩm văn học “Thượng Kinh Ký Sự”, Hải Thượng Lãn Ông đã hoàn thành tổng tập “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” (28 tập gồm 66 cuốn). Ngài được coi là vị Tổ của ngành Y Việt Nam.
“Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông” có giá trị trao cho các thầy thuốc giỏi và xứng đáng vào đúng Ngày hội Rằm tháng Giêng. Đó cũng chính là dịp tổ chức kỷ niệm “Ngày truyền thống Y Dược cổ truyền Việt Nam”. Y Miếu Thăng Long chính là nơi diễn ra những sự kiện thiêng liêng đó. Hải Thượng Lãn Ông là một thầy thuốc có khí phách kiên định luôn sống với tấm lòng nhân ái. Ngài luôn gìn giữ phẩm chất cao quý của người thầy thuốc với tâm nguyện: “Sá chi vinh nhục việc đời/Đem thân đại nghĩa vào nơi lâm tuyền“.
Nhắc lại: Để gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, di sản, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành liên quan, các hương nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và ý nghĩa tốt đẹp của Y Miếu Thăng Long trong dòng chảy của lịch sử và hồn cốt của dân tộc.
Nhân cách lớn được vinh danh
Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21-11 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 – 2025″, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp cho biết việc UNESCO vinh danh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”, là những giá trị mà tổ chức đang thúc đẩy. Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
Như vậy đến nay, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam như kỷ niệm 600 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Trãi (1980); 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Du (2015); 650 năm ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).
Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Đại Danh Y Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật… vô giá trong di sản văn hóa Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Năm 2024 sẽ tròn 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhân dịp này, việc UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một sự ghi nhận to lớn đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.
Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh
Chiều 4/4/2024, UBND tỉnh Hải Dương họp chuyên đề dưới sự chủ trì của đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh để nghe báo cáo một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Trong đó có việc đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh là Danh nhân Văn hoá Thế giới.
Các đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Oanh, Trưởng Ban Tư vấn hồ sơ kỷ niệm 700 năm ngày sinh Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược học cổ truyền Việt Nam), nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương cùng dự họp.
Về đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Đại Danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh là danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày sinh Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh (1330 – 2030), ý kiến của các đại biểu đã nêu bật những đóng góp to lớn của Đại Danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh đối với ngành Y Dược nước nhà. Cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ yếu được thể hiện trong lĩnh vực Y Dược học. Với những đóng góp to lớn với nền Y Dược của dân tộc, ông được suy tôn là “Thánh sư Nam Dược”.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp chuyên đề để nghe một số báo cáo liên quan đến lĩnh vực văn hóa
Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh, Trưởng Ban Tư vấn hồ sơ kỷ niệm 700 năm ngày sinh Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh, nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định những đóng góp to lớn của ông với nền y dược học nước nhà
Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Đại Danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh là danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày sinh của ông cần có lộ trình cụ thể
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhất trí ý tưởng đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Đại Danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh là danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày sinh Đại danh y. Việc xây dựng hồ sơ phải thực hiện ngay trên cơ sở bảo đảm tiến độ song tôn trọng tính chính xác, khoa học. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp hoàn chỉnh tờ trình đề xuất để trình UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giao UBND huyện Cẩm Giàng tiếp tục khai thác tư liệu về Đại Danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh để bổ sung vào hồ sơ.
Hy vọng về một ngày không xa, những giá trị tốt đẹp tại Y Miếu Thăng Long sẽ tiếp tục được gìn giữ phát huy tốt hơn nữa, sự công nhận của quốc tế với các vị Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh và Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là niềm vinh dự với người Thành Đông, Thăng Long mà là còn tất cả mọi người vì những giá trị nhân văn hoá tốt đẹp.
Một sự hy vọng xa hơn và mang nhiều tâm sự của nhiều thế hệ người Việt là tìm hiểu, xác định và đưa được mộ phần của Đức Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh hiện đang được ghi nhận yên nghỉ trên lãnh thổ nước bạn Trung Quốc ở vùng Giang Nam về nước nhằm hoàn thành di nguyện hơn 600 năm của Ngài – “Ai về nước Nam cho tôi theo với!”
Quỹ Thành Đông Tươi Sáng rất quan tâm tới sự kiện tốt đẹp này và rất mong các cấp lãnh đạo, các hương nhân, doanh nghiệp và tất cả mọi người tiếp tục chung tay gìn giữ, phát huy và phát triển những hoạt động thật ý nghĩa này. Quỹ cũng sẵn sàng Tâm Trí Lực để được đồng hành nếu vinh dự được tham gia.
Trân trọng & Cẩn cáo!
Khởi thảo: Văn Tinh Tế
Edit: Thiên Tộ, Tòng Phóng
Poster: Mạnh Cường
Tài liệu tham khảo:
- http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Y-Mieu-Thang-Long/20107/2153.vnplus
- https://cand.com.vn/ly-luan/y-mieu-khach-den-mong-khong-thanh-i657978/
- https://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/11/30/y-mieu/
- https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/unesco-vinh-danh-dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-752466
- https://baohaiduong.vn/hai-duong-de-xuat-vinh-danh-dai-danh-y-thien-su-tue-tinh-la-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-377714.html
- https://nhandan.vn/y-mieu-thang-long-post589525.html
- https://nguoihanoi.vn/y-mieu-quan-dong-da-74845.html
- http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Y-Mieu-Thang-Long/20107/2153.vnplus
- https://www.youtube.com/watch?v=3H6dAOkee58