TĐTS – Thành Đông, ngày 26/7/2023, nằm trong chuỗi các hoạt động tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp, tiếp theo chuyến hành hương về đền thờ Ông Hoàng Bảy, thành viên con ong của Quỹ Thành Đông Tươi Sáng được nhân duyên dẫn thăm quan di tích Côn Sơn & Kiếp Bạc, chiêm bái Đức Thánh Trần, lễ chùa, cầu phật mang lại những điều may mắn, tốt đẹp cho tất cả; thông qua đó các thành viêm được tìm hiểu biết thêm về lịch sử, vùng đất, con người, văn hoá và những giá trị tốt đẹp nơi đây. Thành viên của Quỹ cũng được đại bản tiếp đón, hướng dẫn chu đáo; những ý tưởng mới, sáng tạo và khác biệt cũng đã được kết nối và trình bày nhằm trao đổi, tăng cường sự hiểu biết giữa những con người, các hương nhân, ngõ hầu đưa tới những kế hoạch, dự án mang lại những giá trị nhân văn hoá tốt đẹp cho tất cả.
Chiêm bái Đức Thánh Trần trước hương án ngoài trời
Trao đổi, đàm đạo những điều tốt đẹp
Tản bộ và thưởng lãm quang cảnh
Thăm và chiêm ngưỡng toà Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Côn Sơn
Được biết trong tư tưởng Phật giáo, Cửu Phẩm Liên Hoa là một biểu tượng đặc biệt được nhắc đến trong các kinh Đại Nhật Kinh Sớ, Kinh vô lượng thọ, Kinh quán vô lượng thọ, Kinh A Di Đà, trong các sách: Tây Phương Công Cứ, A Di Đà sớ sao… Cửu Phẩm Liên Hoa là một biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi Phật A Di Đà ngự chiếu giải thoát cho chúng sinh. Chức năng của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu dương Phật pháp, ca ngợi thế giới Cực Lạc – nơi đón nhận linh hồn của những người thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi từ trần trở về thế giới vĩnh hằng để được siêu sinh tịnh độ, tránh rơi vào kiếp địa ngục luân hồi [1].
Sang thời Lê (thế kỷ XVII, XVIII), các nhà sư trụ trì chùa Côn Sơn đã tôn tạo lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa ở Côn Sơn. Bia “Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự” (1614) cho biết: Tỳ khưu Mai Trí Bản “Hưng công xây dựng Cửu Phẩm Liên Hoa, nhà Thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường, tiền tả hữu hành lang, hậu tả hữu hành lang, tam quan và lại trùng tu cả thượng điện, tổng cộng 83 gian. Làm mới tượng phật trên Cửu Phẩm Liên Hoa tới 385 vị”. Văn bia “Khôi Tạo Trùng Tu Phật Tổ Côn Sơn Tư Phúc Tự“ (1721) có ghi: “Nhà sư Hải Ấn trụ trì chùa Côn Sơn […] đã cùng tín thí thập phương thành tâm xây dựng Đăng Minh Bảo Tháp, vọng đài ngắm như ngọc thạch, lại xây dựng hậu đường nguy nga, hai bên tả hữu hành lang, trùng tu cả Cửu Phẩm Liên Hoa khác nào ngọc bích”. Như vậy, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn có từ thời Trần. Đến thời Lê được tôn tạo lại. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc có giá trị tâm linh và nghệ thuật nhất ở khu di tích Côn Sơn. Tiếc rằng, giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chùa Côn Sơn bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa cũng bị tàn phá trong giai đoạn này [1].
Thăm và chiêm ngưỡng toà Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Côn Sơn
Tháp Cửu Phẩm liên hoa có dạng hình bát giác cao 7,9m với 9 tầng chạm sen. Mỗi mặt cạnh là 1,70m, mặt thân tháp là 0,75m. Ở các cạnh mặt tháp có hệ thống cột chạm đốt trúc, từ chân tháp lên đến đỉnh tháp làm tay vịn để quay cây phẩm. Riêng hệ thống cột nối từ bệ tháp lên đài sen tầng một được chạm rồng. Kết cấu trục quay là một thân gỗ lớn cao từ chân tháp đến đỉnh tháp. Chân trục là cối quay bằng kim loại. Từ cây cột trụ chính ở lòng tháp có những đòn ngang đỡ các tầng Cửu Phẩm. Với dạng thức bát giác, biểu hiện cho tám hướng, mỗi mặt gồm bộ ba tượng là Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Tầng trên cùng đặt tượng Phật A Di Đà ngự chiếu, dùng ánh sáng vô lượng của mình để soi rọi khắp cõi nhân gian, dùng công lực vô biên của mình cứu độ chúng sinh, tiếp dẫn các linh hồn về cõi Tây Phương Cực Lạc. Chín tầng đài sen tượng trưng cho chín cấp trong thế giới Tịnh Độ tức Cực Lạc quốc của Đức Phật A Di Đà. Thế giới của Đức Phật A Đi Đà là thế giới gắn với các kiếp đời đã qua, cho nên tòa Cửu Phẩm Liên Hoa còn gọi là Cửu Phẩm vãng sinh (sự qua lại sinh ra, tức là: theo quan niệm Phật giáo sống một ngày là chết một ngày, chết một ngày ở kiếp này là đang sinh ra một ngày ở kiếp khác). Cửu Phẩm vãng sinh được chia thành ba bậc từ trên xuống là: thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh, hạ phẩm vãng sinh. Mỗi bậc lại chia làm thượng, trung, hạ sinh như: thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh… Theo nghiệp tu thiện ác mà chúng sinh được sinh ra ở các đài cao thấp khác nhau. Điều đó có nghĩa rằng, đài sen là nơi thường trụ của những linh hồn bất diệt, tự nhiên tự tại, không bị ràng buộc bởi tham, sân, si… bởi quy luật vô thường. Với những ý nghĩa như vậy, Phật giáo quan niệm rằng nếu vừa đi, vừa đẩy tòa Cửu Phẩm quay, miệng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì mỗi vòng quay tương ứng với 3.542.400 câu niệm Phật, cứ như vậy đến lúc được lên cõi Niết bàn [1].
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn là công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đặc sắc đầu tiên được tôn tạo thành công. Công trình đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc. Với việc khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, khu di tích Côn Sơn tiếp tục có thêm nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo của người dân Hải Dương; đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc [1].
Thăm văn bia tại Chùa Côn Sơn
Tài liệu tham khảo:
- Bài viết “Cửu phẩm liên hoa – Công trình văn hoá, tâm linh đặc sắc của Chùa Côn Sơn”, tác giả: Phạm Quang Vinh, Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022;
link: http://vanhoanghethuat.vn/cuu-pham-lien-hoa-cong-trinh-van-hoa-tam-linh-dac-sac-cua-chua-con-son.htm
Khởi thảo: Văn Tinh Tế
Edit: Vũ Phóng, Thiên Tộ, Việt Thắng
Poster: Mạnh Cường