TĐTS – Rượu, bia, nói chung có hại nhiều hơn là có lợi, vậy làm thế nào để dùng rượu, bia mà không có hại, đồng thời tận dụng được tính chất có lợi của nó là cả một vấn đề lớn và quan trọng. Để làm được điều đó, chúng ta phải dựa trên nhiều yếu tố, tập trung vào các khía cạnh khác nhau, trong đó quan trọng nhất phải dựa trên các cơ sở về khoa học, pháp lý và đặc biệt là văn hoá… Khi xem xét và nghiên cứu về việc dùng rượu, bia chúng ta có thể thay thế khái niệm hay thuật ngữ “uống rượu, bia” bằng ngôn từ “thưởng thức rượu, bia” – ngõ hầu để đạt được lợi ích tối đa, nghĩa là tối đa khai thác ích lợi cho sức khoẻ, tối đa khía cạnh nhân văn hoá tốt đẹp của việc thưởng thức rượu bia (uống đúng độ và tiết chế); hạn chế tối đá tác hại của rượu, bia (uống nhiều đến quá nhiều) vị mang lại Khoẻ Vui Hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Nhân dịp chuyến giao du đấu Thành Đông của Đội bóng PCC fC, kết nối các giá trị nhân văn hóa tốt đẹp, phát triển và lan tỏa tinh thần vị Khỏe Vui Hạnh phúc cho tất cả mọi người. Ý tưởng về “Thưởng thức rượu, bia dựa trên cơ sở khoa học, pháp lý và văn hóa để Khỏe Vui Hạnh phúc” được đặt hàng với các nhóm nghiên cứu, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là Y học, Sinh học, Dược học và Pháp luật, Văn hóa. Kính trình quý vị độc giả đón đọc sau đây.
Thứ nhất, dưới góc độ cơ sở khoa học, qua các nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng rượu, bia 1 lượng vừa phải hợp lý ở những người khỏe mạnh thì sẽ có những tác dụng có lợi như làm giảm 25-40% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và xơ cứng động mạch do rượu góp phần làm tăng nồng độ HDL trong máu, tuy nhiên uống rượu nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Uống bia vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận 41%, những người uống rượu sẽ giảm 33% nguy cơ mắc phải bệnh này, làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, cải thiện việc dung nạp đường huyết làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2, làm dịu căng thẳng thần kinh. Những lợi ích này chỉ đúng khi chúng ta dùng với lượng vừa phải hợp lý, còn khi chúng ta sử dụng nhiều, lạm dụng rượu bia thì nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận, Alzheimer và tiểu đường. Vậy lượng vừa phải là bao nhiêu?
Các loại rượu (rượu mạnh, rượu vang), bia khác nhau thì có lượng cồn rất khác nhau có thể dao động từ 5% đến 40%, vì vậy để quản lý việc tiêu thụ cồn trong 1 ngày và thuận tiện trong việc đưa ra khuyến cáo, chỉ dẫn sử dụng đồ uống có cồn các quốc gia đã đưa ra khái niệm về đơn vị cồn tiêu chuẩn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa đơn vị cồn tiêu chuẩn là chứa 10g ethanol nguyên chất. Tuy nhiên, định nghĩa về đơn vị cồn tiêu chuẩn có sự khác nhau đáng kể giữa các quốc gia dao động từ 8g đến 20g. Các quốc gia như: Anh, Hàn Quốc là 8g; Úc, Trung Quốc, Nhật, Pháp là 10g; Argentina, Mỹ là 14g; Áo là 20g;…
Khi ta uống rượu, rượu tồn tại trong máu đến khi được gan chuyển hóa hết. Gan cần khoảng 1h để chuyển hóa 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn với nam giới (khoảng 7-14g cồn). Các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, giới tính và lượng thức ăn, tình trạng gan… ảnh hưởng đến tốc độ xử lý rượu của cơ thể.
Công thức tính lượng cồn có trong thức uống: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79.
Ví dụ: một lon bia 330 ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là: Lượng cồn = 330 x 0,05 x 0,79 = 13g
Một số khuyến nghị cụ thể:
Theo hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 cho người Mỹ khuyến cáo rằng người lớn trong độ tuổi uống rượu hợp pháp, uống vừa phải là uống không quá 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nữ. Một đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương với 14 gam cồn nguyên chất tức 355ml bia 5%, 150ml rượu vang 12% và 45ml rượu mạnh 40%.
Bảng khuyến cáo uống rượu, bia theo tiêu chuẩn cho phép của Hoa Kỳ
Ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo không nên uống quá 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tiểu chuẩn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Khuyến cáo của Việt Nam khắt khe hơn chút so với khuyến cáo của Hoa Kỳ, có thể do thể trạng, cân nặng của người Việt khác biệt theo hướng không nặng bằng người Mỹ.
Bảng khuyến cáo uống rượu, bia theo tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam
Trên đây là khuyến nghị lượng rượu, bia có thể sử dụng ở mức an toàn áp dụng cho người khỏe mạnh. Lượng rượu, bia khi sử dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: yếu tố di duyền, khả năng uống rượu, độ tuổi… Đối với những người tuổi cao nên giảm lượng rượu, người có vấn đề về sức khỏe như men gan cao, bệnh gan, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác thì giảm lượng rượu so với khuyến cáo và nên có sự tư vấn của bác sĩ.
Cũng cần chú ý, một số người có thể trạng tốt (yếu tố gen, di truyền tốt) thì khả năng dung nạp rượu cũng cao hơn một số người không có yếu tố nêu trên. Hiện nay khoa học cơ bản, nghiên cứu về gen đã dần xác định được các yếu tố nêu trên. Do vậy, chúng ta không nên tự so sánh mình với người khác để cố uống bằng họ. Uống bia rượu nói chung, ở góc độ này sẽ phụ hai yếu tố chính đó là: cân nặng, và kinh nghiệm. Nếu hai người có thể trạng giống nhau thì người nào có cân nặng cao hơn thì thường sẽ có khả năng dung nạp lớn hơn. Yếu tố kinh nghiệm sẽ bao gồm yếu tố gen, di truyền, thể trạng và tổng hòa các yếu tố của một con người.
Thứ hai, ở góc độ sức khoẻ, rượu có thể coi là một dạng thuốc, như vậy cũng cần có chỉ định, chống chỉ định, trong chống chỉ định có loại tương đối và tuyệt đối. Chúng tôi có một số lưu ý sau:
Chống chỉ định tuyệt đối:
1. Phụ nữ có thai và cho con bú:
Không có một giới hạn an toàn nào cho việc uống bia, rượu trong thời gian mang thai; uống rượu, bia với bất kỳ liều lượng nào và ở bất kỳ thời điểm nào trong khi mang thai cũng đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, người mẹ uống rượu trong thời gian cho con bú có thể làm giảm khả năng sản xuất sữa, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự phát triển sớm của trẻ.
2. Không sử dụng rượu với aspirin:
Aspirin là thuốc giảm đau, chống viêm. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, một số người đã uống aspirin trước khi uống rượu để tăng “tửu lượng”. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Do đó, những người đang có chỉ định dùng aspirin (trong những trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, có nguy cơ đột quỵ…) thì nên tránh uống rượu. Hiện tại, chưa có nghiên cứu chính thức nào về thời gian uống rượu thích hợp sau khi dùng aspirin, tuy nhiên lời khuyên cho khoảng thời gian uống rượu, bia và dùng aspirin là 1 ngày. Trường hợp, nếu sử dụng cả aspirin và uống rượu trong 1 ngày thì nên cách xa bằng cách uống aspirin vào buổi sáng và uống rượu vào tối hoặc ngược lại.
3. Không uống rượu, bia khi đang dùng bất kỳ loại thuốc nào:
Vì rượu có thể tương tác với thành phần của thuốc và gây ra nhiều tác hại tới sức khoẻ và làm nặng thêm tình trạng bệnh, đặc biệt là gây tổn thương nghiêm trọng tới gan. Do đó, cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi uống thuốc và tới gặp bác sĩ để xin ý kiến.
Chống chỉ định tương đối:
4. Không nên uống rượu lúc đói:
Vì sẽ làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.
5. Đối với những người mắc các bệnh về gan:
Chỉ một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm nặng tình trạng bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh gan do rượu hoặc xơ gan rượu. Các bệnh về gan nói chung đều gây huỷ hoại tế bào gan, tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều thì lượng men gan giải phóng ra càng nhiều.
AST và ALT huyết thanh tăng cao được xem như một dấu hiệu cho biết rượu đã gây tổn thương cơ quan. Vì vậy, khi tỷ lệ AST/ALT> 1,5, hoặc bất kể men nào trong 3 loại AST, ALT, GGT tăng trên ngưỡng bình thương cho phép, thì đây được coi là dấu hiệu cho thấy rượu là nguyên nhân gây tổn thương gan, khi đó bệnh nhân nên ngừng uống rượu ngay lập tức.
Do vậy, chúng ta cần tới bệnh viện kiểm tra định kỳ chức năng gan để sớm phát hiện các thương tổn ở gan. Cũng cần gặp bác sĩ để định hướng chẩn đoán và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
6. Không nên uống rượu/bia với caffeine:
Rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Còn caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm. Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).
7. Không nên uống rượu với đồ uống có ga:
Do lượng ga trong đồ uống làm tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.
8. Người mắc bệnh đái tháo đường:
Uống rượu có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu, đôi khi làm giảm lượng đường trong máu tới mức nguy hiểm (đặc biệt là với đái tháo đường type 1); rượu kích thích sự thèm ăn, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Do đó, những người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế về sử dụng rượu, bia. Ngoài ra, cần lưu ý nên uống rượu với thức ăn, pha rượu với nước hoặc nước ngọt dành cho người ăn kiêng.
9. Bệnh tim mạch nói chung:
Sự tương tác mạnh mẽ giữa rượu và thuốc điều trị tim mạch làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc này. Bản thân rượu cũng có thể làm giảm huyết áp ở một số bệnh nhân. Về mặt lý thuyết, thuốc cao huyết áp và rượu có thể làm nặng thêm tình trạng huyết áp thấp và dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, choáng váng, buồn ngủ, ngất xỉu.
10. Không lạm dụng “thuốc giải rượu”:
Thuốc giải rượu hay giải say có tác dụng hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn, mà nhiều người hay tưởng rằng nó có tác dụng giúp việc say rượu giảm bớt khi đang uống hay ngay sau uống rượu, hoặc giúp tăng “đô” rượu trước khi uống rượu.
Hoàn toàn không có thuốc gì giúp người uống rượu say mèm lại tỉnh táo như không uống gì. Tốt nhất, hãy biết bảo vệ chính mình bằng cách không uống rượu, bia.
Thứ ba, về cơ sở pháp lý:
Ngoài lý do về khoa học sức khoẻ, uống rượu, bia còn chống chỉ định với các trường hợp tham gia giao thông và độ tuổi theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý có phần quan trọng dựa trên cơ sở khoa học. Do uống rượu bia sẽ làm ảnh hưởng tới tình trạng nhận thức của vỏ não và toàn thể não bộ cũng như toàn bộ cơ thể.
1. Vi phạm nồng độ cồn, lái xe bị phạt như thế nào?
Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Do vậy, nếu cố tình vi phạm, các bác tài sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021. Mức phạt cụ thể như sau:
2. Vi phạm nồng độ cồn, lái xe bị phạt như thế nào?
(ii)Về độ tuổi:
Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi (khoản 2, 3 Điều 5) là những quy định rất quan trọng trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Trường hợp, người chưa đủ 18 tuổi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 thì mức phạt được áp dụng theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 như sau:
+ Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia (Khoản 1 Điều 30).
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành chính không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia (Khoản 1 Điều 36)
Thứ tư, dưới góc độ văn hoá:
Có thể nói rượu, bia nói chung có hại nhiều hơn là có lợi, tuy nhiên, làm thế nào để tận hưởng góc độc thưởng thức rượu, bia để có lợi, nâng tầm thành văn hóa sẽ là cả một nghệ thuật dựa trên cơ sở khoa học, theo bề dày lịch sử của thế giới loài người.
Rượu đã đóng một vai trò trung tâm trong hầu hết các nền văn hóa của con người kể từ thời đồ đá mới (khoảng 4000 năm trước Công nguyên) và cho đến nay nó vẫn được coi là loại đồ uống phổ biến trong hầu hết các dịp lễ, các cuộc gặp mặt hay thờ cúng.
Mỗi đồ uống đều mang ý nghĩa biểu tượng và truyền tải một thông điệp. Rượu là một phương tiện biểu tượng để xác định, mô tả, xây dựng và vận dụng các hệ thống văn hóa, các giá trị, mối quan hệ giữa các cá nhân, các chuẩn mực hành vi và kỳ vọng. Ở cấp độ đơn giản nhất, đồ uống được sử dụng để xác định bản chất của dịp này. Ví dụ, trong nhiều nền văn hóa phương Tây, sâm panh gắn liền với lễ kỷ niệm, hoặc để ăn mừng dịp nào đó. Tại Weiner Becken ở Áo, rượu sekt được uống vào những dịp trang trọng, trong khi schnapps được dành cho những buổi tụ họp thân mật, vui vẻ hơn – loại đồ uống được phục vụ xác định cả bản chất của sự kiện và mối quan hệ xã hội giữa những người uống rượu. Bên cạnh đó nhiều loại đồ uống có cồn trở thành biểu tượng của bản sắc dân tộc: Guinness cho người Ailen, rượu tequila cho người Mexico, rượu whisky cho người Scotland, ouzo cho người Hy Lạp… Do đó việc uống rượu cũng là để thể hiện sự trân trọng đối với giá trị này.
Rượu từ lâu đã được coi là đẳng cấp xã hội, và hành vi uống rượu như một phương thức giao tiếp giữa những người có đẳng cấp và địa vị khác nhau trong xã hội. Thật vậy, trong các buổi giao lưu, đàm phán hay đơn giản là những bữa cơm thân mật, mỗi người đều uống một vài ly rượu trong lúc nói chuyện, trao đổi.
Chúng ta nhất định cần nâng tầm “thưởng thức rượu bia”, phát triển thành văn hóa vị Khỏe Vui Hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nhất định không “uống rượu bia” để có hại; tận dụng tối đa tác dụng có lợi.
Một số tình huống để khéo từ lời mời rượu
Từ chối và đưa ra 1 các cớ: Khi bị ép rượu bia và không còn cách nào để tránh, đây là lúc bạn viện các lý do để thoát tình huống. Ví dụ:
+ Hoàn cảnh gia đình: Viện cớ phải về đón gia đình hay người thân không muốn bạn uống nhiều.
+ Lái xe: Viện cớ phải lái xe, cần hạn chế nồng độ cồn.
+ Phải gặp khách hàng: Viện cớ phải làm việc.
+ Đang uống thuốc: Viện cớ đang uống thuốc phải kiêng đồ có cồn
Từ chối hài hước: Dùng những câu vui đùa, hài hước để tránh làm mất lòng người mời rượu, bia.
Sau lời từ chối, có thể đánh lạc hướng người mời bằng 1 câu chuyện hay một câu hỏi thu hút sự chú ý của họ.
Nếu được mời rượu, bạn có thể đề nghị thay thế bằng một đồ uống không cồn.
Ngồi xa những người hay ép bạn uống rượu.
Như vậy, uống rượu bao nhiêu và uống như thế nào để đảm bảo một sức khỏe tốt:
+ Quan trọng nhất là chúng ta chỉ nên uống một lượng rượu vừa đủ (khuyến cáo ở trên). Ăn trước và trong bữa rượu.
+ Chọn các loại rượu có nồng độ cồn thấp, như rượu vang. Ngoài ra, trước khi uống rượu cần uống đủ nước để giảm khát, vì khát nước khiến bạn uống nhiều rượu hơn.
+ Thay vì uống quá nhanh thì có thể uống chậm lại để thưởng thức rượu.
+ Nói không với lời mời rượu. Thực tế nhiều người uống rượu để thể hiện bản thân hay do áp lực từ bạn bè, việc từ chối lời mời sẽ giúp bản thân kiểm soát được lượng rượu trong mỗi bữa ăn.
Với tất cả những nội dung chúng tôi đã trình bày ở trên, để bảo đảm sức khỏe trong không khí ngày lễ hội cũng như để Khoẻ Vui Hạnh Phúc suốt cả một năm, chúng ta nên:
– Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
– Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn… nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
– Đặc biệt, không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên.
– Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
– Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
– Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, lắng nghe cơ thể bạn để đưa ra lối sống phù hợp vị Khỏe Vui Hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo cho bài viết
- “Alcohol: Balancing Risks and Benefits”, Harvard T.H. Chan School of Public Health.
- “Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng”, (2020), Bộ Y Tế.
- “Rượu, bia và sức khỏe ngày tết”, (2020), Cục Y tế dự phòng.
- “Rượu, bia với lứa tuổi thanh thiếu niên: Tại sao lại cấm?”, (2020), Cục y tế dự phòng.
- “Bán bia cho người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt từ 15/10/2020”, Tin tức pháp luật.
- “Social and Cultural Aspects of Drinking”, SIRC.
- Shaziya allarakha, (2021), “Can You Drink Alcohol With Heart Failure?”.
- Jennifer Robinson, (2020), “Surprising Ways Alcohol May Be Good for You”.
- Rachel Arthur (2016), “Top of Form Bottom of Form What, exactly, is a standard drink? Researchers highlight variations in alcohol consumption guidelines”.
- “Thuốc giải rượu lợi bất cập hại”, Sức khoẻ đời sống.
- Erica Cirino (2019), “What Happens When You Drink on an Empty Stomach?”.
- H. Nyblom, U. Berggren, J. Balldin, R. Olsson (2004), “High AST/ALT ratio may indicate advanced alcoholic liver disease rather than heavy drinking”, Alcohol and Alcoholism.
- “Uống rượu bia thế nào đúng cách” (2019), Viện dinh dưỡng quốc gia.
- “Alcohol and Caffeine” (2020), CDC.
- Nayana Ambardekar, MD, (2021) “Diabetes and Alcohol”.
- “Tác hại của bia rượu với phụ nữ mang thai”, VNCDC.
- “Breastfeeding and Special Circumstances” (2021), CDC.
- Erica Cirino (2019), “Is It Safe to Mix Aspirin and Alcohol?”.
- Rick Ansorge (2022), “Alcohol and Medication Interactions”, WebMD.
- “Drinking Levels Defined”, “Dietary Guidelines for Americans 2020-2025,” U.S. Department of Health and Human Services and U.S. Department of Agriculture.
- “Sàng lọc giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khoẻ do uống rượu”, Quyết định 4946 /QĐ-BYT-2020, Thư viện pháp luật.
Ý tưởng bài viết: Dr. Xun, PGS. Nguyễn Thiên Tộ, Ds. Vũ Đình Phóng
Người khởi viết: Phần 1: Nguyễn Thị Huyền Trang; Phần 2, 3: Vũ Thu Thuỳ; Phần 4: Lưu Minh Nguyệt (Nhóm Bát Yêu Scientific Club), Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phản biện khoa học phần Pháp lý: Luật sư Nguyễn Thị Thoan và cs, Công ty Luật TNHH Thoan Nguyễn, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Bài viết rất mong được nhận nhiều ý kiến góp ý của các quý vị độc giả để phiên bản sau được ngày càng tốt hơn. Ý kiến đóng góp xin gửi email về: thanhdongtuoisang@gmail.com; hoặc điện thoại hotline: 0395111188
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn quý vị!