Dự phòng bệnh lý tim mạch trong đời sống hàng ngày

TĐTS – Bệnh tim mạch đã và đang là vấn đề sức khỏe rất được quan tâm trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh tim mạch vẫn chiếm hàng đầu và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Vì vậy việc dự phòng các bệnh tim mạch có vai trò đặc biệt quan trọng để giảm tỷ lệ tỷ vong, di chứng do bệnh tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống. Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, nhóm Bát Yêu của Trường ĐHYD, ĐH quốc gia Hà Nội, được sự hướng dẫn của các chuyên gia đã viết bài thường thức về dự phòng bệnh lý tim mạch trong đời sống hàng ngày, trong đó có nhấn mạnh một số nội dung liên quan tới tổn thương tim mạch của bệnh lý Covid-19. Quỹ Thành Đông Tươi Sáng xin trân trọng giới thiệu với Quý vị và các bạn bài viết.

1. Bệnh tim mạch là gì ?

Bệnh tim mạch là một nhóm các rối loạn của tim và mạch máu. Chúng có thể chia thành 2 nhóm chính: nhóm bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu (hoặc liên quan đến xơ vữa mạch máu) như bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch ngoại vi và các vi mạch và nhóm bệnh tim mạch không do xơ vữa (như các bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim và van tim do thấp, bệnh tim liên quan đến nhiễm trùng…). Trong hai nhóm trên, bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa động mạch hiện đang trở thành nhóm bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất, thường gặp nhất trong cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật .

2. Tại sao phải dự dòng bệnh tim mạch ?

Theo WHO các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên toàn cầu. Ước tính có khoảng 17,9 triệu người chết vì các bệnh tim mạch vào năm 2019, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.  Trong các nguyên nhân tử vong do tim mạch thì bệnh động mạch vành và đột quỵ não là 2 nguyên nhân hàng đầu, chiếm 85%. Điểm đáng lưu ý là có đến 75% trong số tử vong này là đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Trong số 17 triệu ca tử vong sớm (dưới 70 tuổi) do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2019, 38% là do bệnh tim mạch. (Số liệu thống kê của WHO vào tháng 6/2021)

Bệnh lý tim mạch gây tỉ lệ tử vong và tàn tật cao, chi phí chăm sóc và điều trị lớn làm tăng gánh nặng kinh tế và làm giảm đáng kể chất lượng sống của người bệnh.

Có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm tỉ lệ tử vong và di chứng của bệnh tim mạch nếu được thực hiện tốt và sớm các dự phòng tim mạch. Hiệu quả của dự phòng tim mạch đã được chứng minh ở các nước có thu nhập cao làm giảm mạnh tỉ lệ tử vong, di chứng, giảm chi phí chăm sóc, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để dự phòng tốt bệnh lý tim mạch cần hiểu rõ và kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Các yếu tố nguy cơ của tim mạch bao gồm: yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được và yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

3. Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Tuổi: Hơn nửa số người bị đột quỵ tim mạch và tới 4/5 số người bị chết vì đột quỵ có tuổi cao hơn.

Giới: Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột qụy và các bệnh tim mạch khác cao hơn so với nữ giới.  Tuy nhiên ở phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nguy cơ sẽ tăng cao hơn và sau tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nam giới và phụ nữ là như nhau.

Yếu tố di truyền: những người có tiền sử gia đình bị bệnh động mạch vành (ĐMV) sớm (trước 55 tuổi ở nam và trước 65 tuổi nữ ) có nguy cơ mắc bệnh ĐMV gấp hai lần người không có tiền sử gia đình. Các biến dị gen liên quan đến bệnh tim mạch và bệnh động mạch vành đã được xác định và thường có liên quan với rối loạn chuyển hóa lipid.

4. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Tăng huyết áp: Tăng huyết áp được xác định nếu con số huyết áp luôn vượt quá 140/90mmHg. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với bệnh mạch vành.

Tăng cholesterol trong máu và các rối loạn lipid liên quan: trong các loại cholesterol máu thì nồng độ LDL và HDL rất được quan tâm. Nồng độ LDL-C trên 3,0 mmol /dL là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ bạn. Hàm lượng HDL-C trong máu càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng thấp (tối thiểu cũng phải cao hơn 1,0 mmol/dL).

Hút thuốc lá: 30 – 40% trong số khoảng 500.000 trường hợp chết vì bệnh mạch vành hằng năm có nguyên nhân từ thuốc lá. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ số 1 đối với đột tử và bệnh mạch ngoại vi.

Béo phì: Trong một nghiên cứu gần đây trên 100.000 phụ nữ tuổi từ 30 – 55, nguy cơ tim mạch cao gấp 3 lần ở nhóm béo nhất so với nhóm có cân nặng thấp nhất. Béo phì ở bụng có liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột qụy.

Đái tháo đường và kháng insulin: Những người mắc bệnh đái tháo đường có tỷ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột qụy cao hơn người bình thường. Bệnh cảnh kháng insulin  trong máu có thể gây tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.

Lười vận động (lối sống tĩnh tại): Lối sống tĩnh tại được coi là một nguy cơ của các nguy cơ tim mạch. Việc vận động hằng ngày đều đặn ít nhất 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Rượu: Nếu sử dụng điều độ, tức không quá 1 – 2 chén mỗi ngày, rượu có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Nếu uống quá nhiều rượu (nhiều hơn 60ml rượu vang, 300ml bia, hoặc 30ml rượu nặng) mỗi ngày làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan và biến chứng thần kinh trung ương cũng như rất nhiều rối loạn khác

5. Các triệu chứng thường gặp của bệnh lý tim mạch

Chúng tôi có thể chia các triệu chứng của bệnh tim mạch thành các nhóm sau:

+ Hô hấp: khó thở, đặc biệt là khi nằm; nặng trong ngực, tức ngực; ho dai dẳng hoặc khò khè…

+ Tim mạch: cảm thấy loạn nhịp tim hoặc nhịp tim có vấn đề, nhói ở ngực…

+ Tinh thần: cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức khi lao động nhẹ và kể cả khi nghỉ ngơi; lo lắng, bồn chồn không yên…

+ Tiêu hóa: chán ăn, ăn kém.

+ Tiết niệu: đi tiểu nhiều về ban đêm khiến giấc ngủ kém.

+ Bộ phận: phù, chân to lên, căng mọng hoặc đi chật dép/giày.

Đây đều là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh tim, cần phải đi khám ngay.

6. Các biện pháp dự phòng bệnh tim mạch:

   Ăn uống khoa học và hợp lý:

   (1) Hạn chế sử dụng chất béo. Ăn ít bơ, kem, đồ chiên… dùng nhiều dầu thực vật, quả bơ, hạt lanh…

(2) Cắt giảm lượng đường/muối sử dụng hàng ngày: Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam: khoảng 200 – 500 mg/ngày (tương đương 0,5 – 1,25 g muối, chưa bằng 1 thìa nhỏ) là đủ. Chế độ ăn giảm muối: Một thìa 5 g muối có chứa khoảng 2.000 mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, thậm chí lượng muối được khuyến cáo chỉ dưới 1.5 g và với trẻ sơ sinh là dưới 0,3 g muối. Theo FDA Hoa Kỳ: lượng muối nạp vào cơ thể nên dưới 2300mg/ngày, tương đương với một thìa cà phê, với trẻ em dưới 14 tuổi thì lượng nạp nào sẽ ít hơn. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ: Nam giới nên tiêu thụ không quá 9 muỗng cà phê (36 gram hoặc 150 calo) đường mỗi ngày. Với phụ nữ, con số này thấp hơn: 6 muỗng cà phê (25 gam hoặc 100 calo) mỗi ngày. Hãy chú ý một lon nước ngọt tương đương 8 muỗng cà phê (32 gam) đường! Là quá đủ cho một lần nạp đường trong ngày.

(3) Ăn nhiều trái cây và rau củ.

(4) Hạn chế sử dụng chất có cồn như rượu, bia. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam: Bia (khoảng 5% cồn) , rượu vang (9%-16% cồn)  và rượu mạnh (≥20% nồng độ cồn). Nghiên cứu tìm ngưỡng an toàn đối với đồ uống có cồn được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018 đã cho thấy ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống có cồn là zero (không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng đồ uống có cồn). Liều lượng: bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau: Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau: Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi). Một đơn vị rượu là 10 g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Nếu uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày. Theo CDC Hoa Kỳ: Một thức uống tiêu chuẩn tương đương với 14,0 gam (0,6 oz) chứa cồn. Nói chung, lượng cồn nguyên chất này được tìm thấy trong: 354 mL bia (độ cồn 5%); 236ml rượu mạch nha (độ cồn 7%); 147.5ml rượu (nồng độ cồn 12%); 44.25ml hoặc một “shot” rượu hoặc rượu chưng cất 80 (nồng độ cồn 40%) (ví dụ: gin, rum, vodka, whisky). Nam tuổi trưởng thành có thể uống dưới 2 ly/ngày; nữ tuổi trưởng thành dưới 1 ly/ngày (trừ phụ nữ mang thai – không được uống). Uống càng ít thì càng tốt cho sức khỏe.

(5) Duy trì cân nặng khỏe mạnh (BMI trong khoảng 18-22).

   Tập thể dục thường xuyên và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Để không chỉ bảo vệ bản thân phòng ngừa khỏi bệnh tim mạch, mà còn phòng tránh được các bệnh khác nữa.

Với người lớn: (1) Dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic cường độ mạnh hơn, hoặc kết hợp cả hai, tốt nhất là rải đều trong tuần; (2) Bổ sung hoạt động tăng cường cơ bắp cường độ trung bình đến cao (chẳng hạn như chống đẩy hoặc tập tạ) ít nhất 2 ngày mỗi tuần; (3) Dành ít thời gian ngồi hơn. Ngay cả hoạt động cường độ nhẹ cũng có thể giảm thiểu một số rủi ro của việc ít vận động; (4) Sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn hoạt động ít nhất 300 phút (5 giờ) mỗi tuần.

Với trẻ em: (1) Trẻ 3-5 tuổi nên hoạt động thể chất ngoài trời để có nhiều cơ hội đi lại trong ngày; (2) Trẻ em 6-17 tuổi nên dành ít nhất 60 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất ở cường độ trung bình đến mạnh, chủ yếu là thể dục nhịp điệu; (3) Thực hiện các hoạt động cường độ cao ít nhất 3 ngày mỗi tuần; (4) Thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp và xương (chịu trọng lượng) ít nhất 3 ngày mỗi tuần; (5) Tăng số lượng và cường độ dần dần theo thời gian.

   Quan tâm hơn đến tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình:

Đi khám sức khỏe định kì (ít nhất 6 tháng/lần).

Hãy hiểu hơn về các chỉ số trong cơ thể bạn (HDL, LDL…).

Quan tâm đến bệnh sử/tiền sử của các thành viên trong gia đình để tư vấn và sử dụng phương pháp chăm sóc phù hợp.

7. Bệnh tim mạch trong giai đoạn COVID-19?

SARS-CoV-2 đã gây ra đại dịch lớn trên toàn thế giới, là vấn đề sức khỏe được coi trọng hàng đầu của tất cả các nước. Tính đến 11/2021, trên thế giới có hơn 260 triệu người mắc, hơn 5 triệu người tử vong. Ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 25 nghìn ca tử vong. Mặc dù bệnh nhân SARS-CoV-2 chủ yếu có biểu hiện lâm sàng ban đầu là viêm phổi, nếu tiến triển sang giai đoạn muộn sẽ tổn thương đa cơ quan. Tổn thương hệ tim mạch liên quan tới SARS-CoV-2 là chủ đề lớn cần được quan tâm.

SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào qua sự liên kết với thụ thể ACE2. Các thụ thể này được biểu hiện chủ yếu ở các tế bào phế nang type II – đây được coi là cửa ngõ xâm nhập chủ yếu của SARS-CoV-2. Ngoài ra ACE2 cũng được biểu hiện ở tim, hệ tiêu hóa, thận. Vì vậy ngoài phổi thì tim, thận, hệ tiêu hóa cũng là nơi bị virus tấn công. Sự tăng biểu hiện của ACE2 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của virus vào tế bào, tăng cường sự nhân lên của virus. Vì vậy những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch sẽ có sự tăng biểu hiện của thụ thể ACE2 dẫn đến dễ có khả năng mắc covid hơn người khỏe mạnh và khi mắc dễ gặp biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Mặc dù cơ chế chính xác của tổn thương hệ tim mạch ở bệnh nhân covid chưa được rõ ràng nhưng một số cơ chế đã được đề xuất. Nó có thể là sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hệ tim mạch. Tổn thương cơ tim trực tiếp có thể do tấn công trực tiếp  của virus thông qua sự gắn vào thụ thể ACE2 trong cơ tim. Một số báo cáo kiểm tra tử thi COVID-19 xác nhận có sự hiện diện của virus trong cơ tim, tế bào nội mô của hệ tĩnh mạch, động mạch. Tổn thương gián tiếp do bão cytokin, huyết khối, rối loạn chức năng vi tuần hoàn, tổn thương tế bào nội mô, rối loạn điều hòa của hệ thống Renin- Angiotensin- Aldosteron gây chết tế bào cơ tim.

Tăng áp lực phổi, suy hô hấp cấp và huyết khối mạch phổi trong COVID-19 làm tăng gánh nặng thất phải gây suy thất phải. Viêm phổi, suy giảm chức năng phổi trong COVID làm giảm oxy máu gây thiếu máu cơ tim cục bộ, nhịp tim nhanh và một số bệnh lý tim mạch khác. Bệnh nhân COVID có thể gặp rối loạn nhịp tim do thiếu oxy, do viêm, do rối loạn chuyển hóa hoạc do tác dụng phụ của thuốc điều trị covid. Sự rối loạn nhịp này có thể gặp ở bệnh nhân có hoặc không có tiền sử bệnh tim trước đó. Các biến chứng khác như tổn thương cơ tim cấp tính biểu hiện bởi sự tăng troponin, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, bệnh cơ tim, huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc mạch phổi và ngừng tim đột ngột có thể xảy ra.

Do đó những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch được xếp vào nhóm bệnh có nguy cơ cao bị tử vong khi nhiễm SARS-CoV-2. Những lưu ý đối với bệnh nhân tim mạch: (1) Thực hiện nguyên tắc 5K của bộ y tế; (2) Tiêm phòng ngừa vắc-xin ngay khi có thể; (3) Nếu đang trong vùng có dịch và tình trạng tim mạch ổn định, tránh đến khám trực tiếp ở các cơ sở y tế. Thay vì khám trực tiếp, bạn có thể trao đổi với bác sĩ của bạn qua điện thoại; (4) Để cải thiện hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tim mạch, luôn ăn uống đầy đủ, tránh rượu bia, đảm bảo giấc ngủ, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng và tránh mọi căng thẳng không đáng có.

  Người viết: Nguyễn Thị Huyền Trang & Vũ Thu Thùy, Nhóm Bát Yêu Scientific Club